Người làm truyền thông

 

Hôm qua, mình được tham gia ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 57 của Giáo phận. Đây là lần thứ 2 mình tham gia, nhưng lại là lần đầu chương trình tổ chức hoành tráng. Ban đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản là tham gia hỗ trợ mấy anh chị với Cha thôi, nhưng khi ra về, mình thấy biết ơn vì được tham dự. Những nội dung các Cha và Đức Cha chia sẻ giúp mình sáng tỏ thêm nhiều điều, và càng tự hào, vững tin hơn về nghề nghiệp hiện tại của bản thân.

Nhớ lại ngày nhỏ, khi còn học cấp 2, mình đã từng nhất quyết rằng sau này sẽ thi đại học ngành báo chí, làm việc ở mảng truyền thông (lúc đó, Marketing còn là một khái niệm xa vời). Thời gian dần trôi, càng lớn lên, hiểu biết, mình lại có thêm hàng chục, hàng trăm ước mơ khác nhau. Nhưng có một điểm chung trong chúng là, đều liên quan đến viết lách, sáng tạo nội dung – nghề mà ở đó mình được dùng con chữ, ý tưởng và một số kỹ năng liên quan để mang lại điều gì đó cho xã hội.

Ảnh chụp chung trước khi kết thúc

Từ khi ra trường, mình cũng mất một khoảng thời gian “lang thang” giữa nghề này nghề nọ. Mình đã cứng đầu nhất định phải tìm ra cái nghề gần nhất với sở trường và đam mê của bản thân. Mình đã từng viết văn (còn ước mơ trở thành nhà văn nữa), làm nội dung cho một đơn vị xuất bản, rồi mới chính thức trở thành một người làm Marketing full time. Với mình, mỗi công việc đều mang lại những trải nghiệm khác nhau. Nhưng hiện tại, mình vẫn hài lòng với công việc mình đang có. Marketing và truyền thông, chỉ khác nhau ở vài điểm chứ không hẳn là tách rời nhau. Mình luôn nghĩ rằng, mình cũng là một người làm truyền thông. Chỉ là ở mỗi tổ chức, doanh nghiệp, mình sẽ truyền thông về một đối tượng khác nhau, với những mục đích khác nhau.

Vẫn nhớ những điều Cha Thành chia sẻ hôm qua, rằng trong 10 nguyên tắc căn bản của truyền thông, thì việc truyền thông đúng sự thật là điều quan trọng và căn bản nhất. Năm ngoái, trong cuốn sách “Một đời quản trị” mà Sếp cho mượn, mình cũng được tiếp cận điều này. Truyền thông đúng sự thật, tuy đơn giản nhưng không phải dễ. Bởi đôi khi, chúng ta dễ bị cuốn vào ý muốn thêm thắt, lèo lái để câu chuyện/ sự việc thêm phần hấp dẫn, thuyết phục hơn. Truyền thông khác văn chương ở chỗ, với văn chương, chúng ta được quyền thêm bớt, nhân hóa, tưởng tượng, hư cấu nhưng với truyền thông, sự thật là điều cần được yêu mến và tôn trọng. Và đây cũng là điều mình luôn ghi nhớ khi theo nghề.

Nhờ dịch COVID năm 2020 mà mình đã quyết định tham gia Ban truyền thông của Giáo phận. Vì lúc đó, giãn cách xã hội, ai ở nhà nấy, mình thật sự thấy tầm quan trọng của truyền thông trong việc giúp mọi người giữ được thói quen đạo đức, lòng đạo đức hay sự kết nối với nhà thờ, với thánh lễ. Nhất là khi truyền thông ngày nay có sự hỗ trợ đắc lực của internet. Dù lúc đó còn khá mơ hồ về những việc mình có thể làm được, nhưng mình đã mạnh dạn tham gia, để rồi có nhiều trải nghiệm hay ho, được tiếp xúc và cảm nghiệm nhiều hơn với bài giảng của các Cha, Đức Cha trong các dịp lễ quan trọng. Dù đôi khi nó khiến mình bận rộn hơn, hi sinh thời gian cá nhân nhưng mình lại thấy vui và thoải mái khi được làm điều đó.

Đức Cha nói: chị lúc nào cũng tủm tỉm có hai lúm đồng tiền ^^

Không biết mình sẽ có khả năng và điều kiện để theo nghề cũng như là thành viên của BTT được bao lâu. Nhưng mong rằng chừng nào còn là một người làm truyền thông, mình luôn ghi nhớ nguyên tắc tôn trọng sự thật. Như Đức Cha đã nói: “Đừng sợ công bố sự thật, dù đôi khi sự thật không dễ chịu. Chỉ sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có lòng bác ái hoặc không bằng trái tim yêu thương”.

Cũng mong bản thân luôn đủ lòng nhiệt thành để phục vụ Giáo hội trong khả năng hạn hẹp của mình. Mong sao dù cuộc sống có thăng trầm, khó khăn bế tắc hay bận rộn cơm áo gạo tiền, cũng không khiến mình từ bỏ ước muốn phục vụ. Vì khi phục vụ, mình được “dẫn đi trên những nẻo đường mà mình chưa hề biết đến”, có một cuộc sống tròn đầy và ý nghĩa hơn.

Link bài viết về ngày Thế giới truyền thông xã hội mà mình đã viết: https://www.giaophandanang.org/hoi-ngo-truyen-thong-giao-phan-da-nang-2023.html

Đà Nẵng, ngày 22/05/2023

 

 

 

 

Nhận xét