Thư Cho Em - tình yêu thời ông bà anh và hơn thế nữa...

 

Ngày nhỏ, mình có đọc qua “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” là những cuốn sách được xuất bản từ nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm và anh Nguyễn Văn Thạc hay có thể gọi là người lính nói chung; như vẽ lại bức tranh sống động mà khốc liệt của một thời đất nước chìm trong bom đạn khói lửa chiến tranh đồng thời cũng đan xen những tâm tư, cảm xúc rất tươi trẻ của chính nhân vật. Khi biết đến “Thư cho em” đang hot rần rần trên các diễn đàn sách, mình nghĩ chắc nó cũng mang nội dung tương tự.

Tuy nhiên, cuốn sách này đặc biệt ở chỗ nó là câu chuyện tình của vị tướng Hoàng Đan và vợ là bà An Vinh, được kể lại bằng những bức thư của họ cùng với lời kể của con trai là ông Hoàng Nam Tiến - chủ tịch tập đoàn FPT.

Lời kể không nhiều, có lẽ chỉ tầm 50% và 50% còn lại là những trích thư. Mình đã đọc một mạch sách chỉ trong 2 đêm.

Những điều khiến bản thân mình ấn tượng với sách đó là:

Bối cảnh chung về “thời cuộc” hiện lên rất sinh động và chân thực nhờ lời kể của tác giả. Mình có thể tưởng tượng, hình dung rõ về thời đó đất nước đang trong giai đoạn gì, người dân, cán bộ sinh sống và làm việc ra sao. Giống như được tiếp cận lịch sử qua những trang thư và lời tường thuật.


Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau

Tình yêu của vợ chồng tướng Hoàng Đan có lẽ không thể gọi là một tình yêu đơn sơ, dung dị mà phải nói là một tình yêu mãnh liệt và đầy lý tưởng. Tình yêu vừa có lý trí, trách nhiệm với đất nước, với nhiệm vụ lại vừa có sự tha thiết chung thủy của con tim. Dù là vợ chồng, họ vẫn sống xa nhau nhiều năm đằng đẵng vì nghĩa vụ chung. Họ biết gác lại mong muốn cá nhân để sống cho lý tưởng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng không vì thế mà tình cảm phai nhạt, ngược lại, họ giữ kết nối với nhau qua những trang thư, cuốn nhật ký chung. Hình ảnh chàng trai trẻ phải đạp xe hàng trăm, hàng ngàn cây số để gặp người yêu, hay cô gái chiều cuối tuần lại ra sân ga đứng đợi có lẽ là hình ảnh tình yêu thời ông bà anh. Có thể nói, thời đó rất nhiều đôi vợ chồng, nam nữ yêu nhau có hoàn cảnh tương tự nhưng không phải ai cũng giữ được một tình yêu như thưở ban đầu như thế.

Tư tưởng cùng giúp nhau phát triển và tiến bộ:

Đây là điều mình khá ấn tượng bởi nó là một tư tưởng rất hiện đại, không nghĩ rằng thời đó, những năm thập niên 60 khi nước ta còn chưa thật sự hòa bình, người VN còn thiếu ăn thiếu mặc nhưng “đôi trẻ” lại đã ý thức được điều đó. Trong những bức thư, tướng Hoàng Đan luôn khích lệ, động viên vợ học tập, nâng cấp bản thân và bản thân người vợ cũng ý thức và quyết tâm làm điều đó. Xuất phát điểm của họ khá đối nghịch về hoàn cảnh, nhưng ông luôn dìu dắt hỗ trợ vợ phát triển còn vợ thì luôn nỗ lực phát triển để được xứng với chồng. Có lẽ nhờ điều này mà dù trải qua bao thăng trầm, xa cách nhưng giữa họ vẫn có sự kết nối mạnh mẽ, tương đồng về lý tưởng, giá trị sống để rồi gìn giữ tình yêu của họ đến mãi sau này.

Mình nghĩ đây là một cuốn sách rất đáng để đọc, vừa giúp chúng ta thêm nể phục, biết ơn thế hệ cha anh với lý tưởng sống cháy bỏng để hôm nay chúng ta có hòa bình, tự do lại vừa mang đến những chiêm nghiệm sâu sắc về giá trị sống, về một tình yêu chân thật vượt trên bao khó khăn của thời cuộc.

ĐN 18/10/2024





Nhận xét